Kinh nghiệm tham gia lễ hội thả đèn trời Yi Peng tại Chiang Mai
Giống như ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam mình, Yi Peng được coi như một ngày đại lễ mang ý nghĩa trọng đại của đất nước Thái Lan. Cùng tụi mình tìm hiểu và bỏ túi tất tần tật những kinh nghiệm hay ho khi đi lễ hội đèn trời Yi Peng tại Chiang Mai, Thái Lan nhé!
Lễ hội Yi Peng là gì?
Yi Peng hay còn được gọi là Yee Peng - Lễ hội thả đèn trời - là một sự kiện trọng đại có nguồn gốc từ văn hoá dân tộc Lanna ở miền Bắc Thái Lan, được tổ chức ở Chiang Mai vào rằm tháng 12 hàng năm theo lịch Thái. Đây là lễ hội lớn thứ 2 ở đất nước này chỉ sau lễ Songkran (té nước), nên ở khắp nơi từ Nam chí Bắc, mọi người đều nô nức chuẩn bị cho dịp đại lễ này. Vì lịch Thái khác lịch bên mình thời gian tổ chức lễ hội chính thức hàng năm sẽ không cố định mà có sự xê dịch đôi chút.
Quá háo hức nên Min và Josh đã mua vé tham gia lễ hội ngay ngày đầu tiên, hôm đó cũng là lần đầu mà Min được nhìn thấy nhật thực trọn vẹn đến như vậy. Cuộc sống ở thành thị sẽ làm chúng ta khó có thể chiêm ngưỡng những hiện tượng tự nhiên hiếm có như thế. Thật sự quá là may mắn và là một kỷ niệm vô cùng tuyệt vời đối với tụi mình.
Những chiếc lồng đèn sắc màu chính là biểu tượng của Yi Peng. Chính vì thế mà đèn lồng được trải dài hầu hết mọi con đường, từ các cửa hàng cho đến khách sạn và nhà dân. Tụi mình qua chơi sớm hơn vài hôm và thấy họ chuẩn bị cho ngày lễ rất chu đáo, gần tới ngày lễ người dân còn thắp thêm rất nhiều nến. Đây cũng là thời điểm diễn ra lễ hội Loy Krathong (thả đèn hoa đăng) nên khi đến Chiang Mai vào thời gian này bạn sẽ được trải nghiệm cùng lúc cả 2 hoạt động.
Theo tụi mình được biết, những chiếc đèn đều mang ý nghĩa tượng trưng cho bình an và sự may mắn. Người dân quan niệm rằng nếu một người khi thả lồng đèn bay lên cao và biến mất thì có nghĩa lời cầu nguyện của họ được Đức Phật chấp thuận, ngược lại đó có thể là lời cảnh báo cho những điều không tốt sắp xảy đến.
Đây là một nét văn hoá rất hay, tuy nhiên bạn cứ trải nghiệm và cũng đừng quá lo lắng về điều này bởi đèn lồng có bay lên được hay không còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết khi đó cũng như kinh nghiệm thắp đèn của mình nữa. Hầu như khách du lịch đến với lễ hội đều chỉ mong muốn mình có thể thành công thả được chiếc đèn bay lên trời, cảm giác rất thích mọi người ạ.
Kinh nghiệm mua vé
Có 3 hạng vé là Premium, VIP và Standard. Vé của Min và Josh là Standard, mua trực tiếp từ website của ban tổ chức chương trình Chiang Mai Arts & Design (CAD) và thanh toán bằng thẻ Visa. Sau đó tụi mình được ban tổ chức gửi vé mời điện tử kèm theo vị trí chỗ ngồi qua email để xác nhận.
Khi BTC vừa mở bán vé là Min đã mua ngay và được xếp ngồi hàng đầu tiên của vé Standard. Thế nên recommend các bạn nên mua vé càng sớm càng tốt vì khả năng được xếp ngồi những hàng đầu của loại vé mình chọn sẽ cao hơn. Lý do Min lựa chọn vé Standard một phần là vì chi phí của 2 hạng vé còn lại hơi cao, phần thì mục đích của mình muốn vào đây chỉ để trải nghiệm thả đèn và săn được những con ảnh đẹp nhất nên mình nghĩ hạng này cũng khá ổn. Tuy nhiên thực tế khi đến nơi mình thực sự hài lòng với cách sắp xếp của BTC chương trình bởi mặc dù sân khấu chính nơi tổ chức lễ hội rất rộng nhưng phần ghế ngồi được sắp xếp theo hình bát giác bao quanh, vì thế mà khoảng cách chỗ ngồi sẽ được trải đều. Tụi mình ngồi hàng đầu của hạng vé Standard nhưng nhìn tới sân khấu vẫn khá vừa vặn và không hề bị xa.
Tips nhỏ nữa cho bạn có mục đích săn ảnh, nếu mình ở xa sân khấu sẽ có thể chụp được đẹp hơn và bắt được khoảnh khắc nhiều lồng đèn được bắt đầu thả bay lên bầu trời hơn. Tuy nhiên nếu bạn muốn xem show được rõ nhất thì 2 hạng vé còn lại là sự lựa chọn không tệ với xe đưa rước cũng sẽ xịn xò hơn.
Ngoài mua vé trực tiếp từ website của BTC, bạn cũng có thể mua vé từ các kênh đại lý về du lịch hoặc tổ chức tour khác nhưng tuỳ theo % hoa hồng của mỗi bên mà giá vé cũng sẽ chênh lệch ít nhiều.
Hành trình di chuyển tới lễ hội
Theo lịch trình, 15h30 hôm đó tụi mình có mặt tại trung tâm thương mại Maya Lifestyle Shopping nằm ngay trung tâm Chiang Mai. Ở đây đã được dựng sẵn những quầy hướng dẫn di chuyển lên xe theo từng màu sắc tương ứng với 3 loại vé khác nhau. Min và Josh chỉ việc tới lấy số, ra đúng khu vực chờ xe và sẽ có người sắp xếp chỗ ngồi cho mình.
Tùy theo từng loại vé sẽ có xe trung chuyển khác nhau. Vé Standard của tụi mình được trung chuyển bằng “Red Truck” hay còn được gọi là Songthaew (Song Thẻo), là phương tiện di chuyển phổ biến ở Thái Lan. Một chiếc Red Truck sẽ chở 10 người.
Điều Min thấy rất hay ở khâu tổ chức lễ hội là việc sắp xếp hết sức chuyên nghiệp của BTC. Mặc dù đoàn xe rất đông nhưng luôn có người điều phối đứng ở các ngã tư nên xe không hề bị tách đoàn. BTC còn chuẩn bị rất chu đáo về cả y tế, cảnh sát,... đảm bảo cho người dân và du khách trải nghiệm lễ hội được trọn vẹn nhất. Bình thường lễ hội đèn trời đã rất lớn và phổ biến rồi. Thế nhưng sau 2 năm dịch không hoạt động đến khi mở lại du lịch thì càng đông hơn nữa. Chỉ riêng hàng Standard Min đứng thôi mà đã thấy nườm nượp người đến từ các nước, Việt Nam mình cũng rất nhiều.
Trải nghiệm trước khi tham gia lễ hội chính
Khoảng 17h00 đoàn xe của tụi mình đến địa điểm tổ chức chương trình và tiến hành đổi vé để vào cổng. Điệu múa trống văn hoá và những bài múa đặc trưng của người dân Lanna đã chờ sẵn để đón chào khách và cuốn họ vào ngay với không khí tưng bừng, nhộn nhịp của lễ hội. Mỗi vé vào đều được tặng kèm 1 chiếc túi tote xinh xinh có in logo của BTC chương trình (CAD) và một giỏ tre nứa nhỏ bao gồm nước suối, khăn lạnh, chuối sấy dẻo và chuối sấy khô kiểu Thái để ăn nhẹ trong lúc đi loanh quanh tham quan.
Từ cổng vào, sẽ có một con đường dẫn ra bờ sông gần đó. Tại đây đã được chuẩn bị sẵn những chiếc đèn hoa (Loy Krathong) phục vụ cho hoạt động thả đèn hoa đăng. Không phải một mà rất nhiều kiểu khác nhau, tất cả đều được chuẩn bị tỉ mỉ và hoàn toàn miễn phí. Min và anh Josh mỗi người thắp 1 chiếc đèn, ước nguyện và thả trôi theo dòng sông. Phải nói là khung cảnh về sau càng lúc càng đẹp hơn khi có thêm nhiều chiếc đèn ước nguyện của mọi người.
Lối vào khu vực Loy Krathong 2 bên là cánh đồng. Trên cánh đồng ấy có những chú bù nhìn rơm cùng tham gia lễ hội. Mỗi chú đều được gắn lên mình một lá cờ đại diện cho từng quốc gia tham gia lễ Yi Peng hôm đó. Chú bù nhìn rơm đại diện cho Việt Nam mình cũng tham gia góp mặt.
Ăn uống sẽ được phục vụ từ chiều đến khi bắt đầu vào thời gian lễ chính thức với khung giờ phục vụ ăn uống nhẹ vào buổi chiều, và buffet tối gồm những món ăn truyền thống của người Lanna như Khao Soy, Kanom Jeen, đồ nướng, v.v…..
Địa điểm tổ chức chương trình là một khu vực rất rộng và quang, từng khu vực được bố trí một cách bài bản, đèn lồng được trang trí nhiều vô kể với đủ màu sắc bắt mắt vô cùng. Ngoài thưởng thức các chương trình văn nghệ, ăn uống buffet, lễ hội còn có những hoạt động thú vị như làm lồng đèn, điêu khắc tượng, làm túi thơm,... Bạn có thể tham gia làm free hoặc tự mua thêm sản phẩm trưng bày để làm quà cũng rất hay. Min cùng Josh dừng lại tại 1 khu vực để đeo chỉ cầu may bởi mình thật sự rất thích việc được đến một nơi và mang theo điều đặc trưng ở nơi đó trở về.
Trong thời gian chờ lễ hội diễn ra, tụi mình đã đi dạo khu vực này và trải nghiệm nhiều nhất có thể các hoạt động tại đây. Còn nhiều điều hay ho nữa nhưng Min không thể kể hết tại đây. Hẹn bạn ở bài viết tiếp theo với thật nhiều trải nghiệm của tụi mình về thời gian chính thức diễn ra lễ hội Yi Peng, quy trình tổ chức cụ thể, các hoạt động đi kèm,... vân vân và mây mây bạn nhé!